03/08/2024 21:21:42 | 17
Một góc Đà Lạt
Thu ngân sách hàng năm lĩnh vực bất động sản của Đà Lạt chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách của thành phố. Cơ cấu kinh tế về công nghiệp xây dựng cũng chiếm khoảng 18%, đứng thứ 2 sau du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, các giao dịch bất động sản chủ yếu là các giao dịch nhỏ, mua bán giữa các hộ dân.
Căn cứ tình hình thực tế thị trường bất động sản trên địa bàn và chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, UBND thành phố thời gian qua cũng đã kịp thời đánh giá tình hình, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách điều tiết, ổn định thị trường bất động sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thực hiện Quyết định số 50/2023/QĐ-UBND ngày 18/8/2023 ban hành quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; UBND thành phố đã giao Phòng Quản lý Đô thị - là cơ quan chuyên môn thực hiện việc theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường bất động sản, tham mưu, đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hay bong bóng bất động sản, định kỳ hàng quý, hàng năm cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (các dự án đang triển khai thực hiện, lượng giao dịch bất động sản, giá bán và cho thuê một số loại hình bất động sản…). Qua đó, cơ bản nắm bắt được thông tin, diễn biến thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Thành phố nỗ lực quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản, pháp luật về nhà ở; đồng thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, thuê đất thực hiện dự án; qua đó sớm hoàn thành các dự án bất động sản, tạo nguồn cung cho thị trường.
Thống kê của TP Đà Lạt, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố có 2.384 giao dịch đất nền và 1.767 giao dịch nhà ở được đăng ký biến động chuyển nhượng. Giai đoạn năm 2021 đến đầu năm 2022 là khoảng thời gian bùng nổ của thị trường bất động sản Lâm Đồng, hoạt động giao dịch sôi động. Cụ thể, trong năm 2021, thành phố có 2.536 giao dịch đất nền và 1.566 giao dịch nhà ở được đăng ký biến động chuyển nhượng; quý I/2022, toàn thành phố có 1.342 lô đất nền và nhà ở được giao dịch thành công.
Từ quý II/2022, Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa và tiền tệ như siết chặt tín dụng bất động sản nhằm giảm nguy cơ sốt giá ảo, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; qua đó, trong năm 2022 đã cơ bản kiểm soát được tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ, góp phần đưa bất động sản về giá trị thực; kéo theo đó là sự suy giảm của thị trường bất động sản thành phố. Đến nửa cuối năm 2022, nhất là trong quý IV/2022, thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn về tài chính, thủ tục pháp lý, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, lượng giao dịch giảm mạnh. Tổng giao dịch trong năm 2022 là 4.185 giao dịch, gồm 2.230 giao dịch nhà ở và 1.955 lô đất nền.
Đến năm 2023, trên địa bàn thành phố chỉ có 642 giao dịch đất nền và 465 giao dịch nhà ở được đăng ký biến động chuyển nhượng, giảm 3.078 giao dịch so với cùng kỳ năm 2022.
Với nhiều nỗ lực chỉ đạo, điều hành, để quản lý cũng như nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng với sự quyết liệt, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, thị trường bất động sản trên địa bàn TP Đà Lạt gần đây đạt được những kết quả tích cực, góp phần bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
NGUYÊN THI - https://baolamdong.vn